Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 10-1-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 10-1
Sự kiện trong nước
10-1-1937: Đại biểu các xí nghiệp in ở Hà Nội đã tổ chức cuộc họp tại nhà số 181 phố Lò Đúc, Hà Nội để thành lập Bắc Kỳ ấn công ái hữu hội và nêu thỉnh nguyện 15 điểm với chính phủ Pháp. Ngày 10-1 trở thành ngày truyền thống của công nhân ngành in Việt Nam.
10-1 đến 31-3-1950:Chiến dịch Võ Nguyên Giáp. Đây là chiến dịch tiến công quân Pháp tại khu vực bắc Quảng Nam, Đà Nẵng do Bộ Tư lệnh Liên khu 5 tổ chức, chỉ huy nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, triệt đường giao thông tiếp tế từ Đà Nẵng ra Huế, uy hiếp Đà Nẵng, phá âm mưu của địch đánh chiếm miền Tây Quảng Ngãi; bồi dưỡng lực lượng ta, đẩy mạnh chiến tranh du kích; làm tan rã khối ngụy quân, ngụy quyền, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (22-12-1962). Ảnh tư liệu
Từ cuối năm 1949, để đối phó với phong trào kháng chiến đang phát triển mạnh ở Quảng Nam, Đà Nẵng, quân Pháp tập trung sức củng cố các vị trí đóng quân ở thành phố Đà Nẵng và dọc Quốc lộ 1, đồng thời mở các cuộc hành quân càn quét đánh phá ở nhiều nơi, nhất là vùng Đồng Xanh, Phú Túc, huyện Hòa Vang và phía Tây các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc thuộc tỉnh Quảng Nam.
Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 chủ trương mở Chiến dịch Võ Nguyên Giáp tiến công địch trên địa bàn bắc Quảng Nam – Đà Nẵng; phối hợp với chiến trường chính Bắc Bộ, kìm chân không cho địch tăng viện ra phía Bắc. Chiến dịch diễn ra 3 đợt. Kết quả, sau gần 3 tháng chiến đấu, về cơ bản đạt được mục đích đề ra, góp phần củng cố và phát triển thế trận chiến tranh nhân dân trên chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng.
Ngày 5-5-1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm các đơn vị thông tin và quân y tham gia duyệt binh ngày 1-5-1973. (Ảnh: Vũ Tạo/TTXVN)
Đây là một trong những chiến dịch thành công của LLVT Liên khu 5 trong kháng chiến chống Pháp, với nét nổi bật là chọn hướng tiến công chính xác, vận dụng đúng đắn phương châm đánh điểm diệt viện. Trong quá trình chiến dịch, sự phối hợp, giúp đỡ tích cực có hiệu quả của các đoàn thể cách mạng và nhân dân địa phương trong chuẩn bị chiến trường cũng như trong thực hành chiến dịch là một trong những yếu tố quyết định thành công. Thắng lợi của chiến dịch đã củng cố, nâng cao lòng tin của nhân dân, tạo đà đẩy mạnh phong trào kháng chiến ở địa phương.
10-1-1982: Công bố Luật Nghĩa vụ Quân sự và Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam thay cho Luật Nghĩa vụ Quân sự 1960, các luật sửa đổi, bổ sung 1962, 1965 và Luật về Chế độ phục vụ của sĩ quan Quân đội nhân dân 1958.
10-1-2005: Hội nghị thường niên lần thứ 13 Diễn đàn nghị viện Châu Á – Thái Bình Dương (APPF-13) do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức khai mạc tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Sự kiện quốc tế
10-1-1863: Thủ Tướng William Gladstone khai mạc khu vực hệ thống đường ray xe điện ngầm đầu tiên của London từ Paddington tới khu phố Farringdon.
10-1-1920: Hội Quốc Liên phê chuẩn Hiệp ước Versailles, chính thức kết thúc Thế chiến thứ I với Đức Quốc xã.
10-1-2003: Bắc Hàn tuyên bố sẽ rút lui khỏi Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân toàn cầu và không có kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân.
Theo dấu chân Người
Ngày 10-1-1925: Từ Quảng Châu, Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Đoàn Chủ tịch Quốc tế Cộng sản hỏi về việc có thể nhận bao nhiêu sinh viên Việt Nam vào học Trường Đại học Cộng sản chủ nghĩa ở Moscow.
10-1-1946: Trong buổi thăm Hưng Yên, Bác đã có cuộc nói chuyện với nông dân, điền chủ. Tiếp các vị thân hào tới chào mừng, Bác nói rằng: “… Bây giờ ta được độc lập, công việc đắp đê không phải là việc riêng của Chính phủ mà là của tất cả mọi quốc dân”. Bác động viên các thân hào có của, người lao động có công cùng nhau tham gia củng cố đê điều. “Nước sông cao bao nhiêu đi nữa, mà lòng nhiệt tâm của các bạn cao hơn thì không bao giờ có lụt nữa” .
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm công trường đại thủy nông Bắc – Hưng – Hải (25-12-1958). Ảnh tư liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm kè bảo vệ sông Đà ở Cổ Đô, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (8-7-1958). Ảnh tư liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tát nước chống hạn với bà con nông dân ở cánh đồng Quai Chảo, xã Đại Thanh, huyện Thường Tín, Hà Đông (12-1-1958). Ảnh tư liệu
10-1-1947: Thời điểm này chiến tranh đã lan rộng cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kiên trì đấu tranh ngoại giao, tranh thủ mọi cơ hội để đàm phán mong lập lại hòa bình. Nhưng Bác Hồ cũng cảnh cáo giới thực dân hiếu chiến trong lá thư đề ngày 10-1-1947 rằng: “Nếu không, chúng tôi bắt buộc phải chiến đấu đến cùng để giải phóng hoàn toàn đất nước. Nước Việt Nam có thể bị tàn phá, nhưng nước Việt Nam sẽ lại hùng mạnh hơn sau cuộc tàn phá đó. Còn nước Pháp chắc chắn sẽ mất hết và sẽ biến hẳn khỏi cõi Á châu”. Lời tiên đoán ấy về sau đã thành sự thật.
Ngày 10-1-1960, Bác Hồ xuống bến Sửu Kho, Hải Phòng để đón chuyến tàu biển đầu tiên đưa bà con Việt kiều từ Thái Lan trở về nước.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Dân chỉ biết giá của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”
Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, ngày 10-1-1946; đăng trên Báo Cứu quốc, số 139, ngày 11-1-1946.
Trong bài phát biểu Bác chỉ ra: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Từ đó Bác yêu cầu cần thực hiện ngay 4 việc: Làm cho dân có ăn; làm cho dân có mặc; làm cho dân có chỗ ở và làm cho dân có học hành.
Bác Hồ đi thăm Nhà máy diêm Thống Nhất; Nhà máy in Tiến Bộ; Xưởng may 10; Công trường xây dựng cầu Việt Trì và Nhà máy liên hợp dệt Nam Định. Ảnh tư liệu Bác Hồ đi thăm cơ sở sản xuất vận chuyển than ở vùng mỏ Quảng Ninh; Hợp tác xã nông nghiệp Tân Lập, Hà Tây; Lớp bổ túc văn hóa của bà con lao động ở khu Lương Yên, Hà Nội; Người cùng kéo lưới với bà con ngư dân ở vùng biển Sầm Sơn, Thanh Hóa; Người đến thăm công trường xây dựng Nhà máy điện Vinh, Nghệ An. Ảnh tư liệu
Lời phát biểu nêu lên thực trạng về những khó khăn chồng chất mà nhân dân đang phải đối mặt, gánh chịu; là thông điệp khẩn cấp kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nêu cao truyền thống yêu nước, tinh thần tự lực tự cường, gắng tìm mọi cách khắc phục khó khăn, giải cứu đất nước, nhân dân thoát khỏi cơn hoạn nạn; là tiền đề đến ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi Thi đua ái quốc; phát động, nuôi dưỡng, phát triển các phong trào thi đua, như: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Hũ gạo chiến thắng”, “Bình dân học vụ”… kịp thời động viên, cổ vũ đồng bào, chiến sĩ cả nước hăng say lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm chống giặc đói; thi đua học tập xóa nạn mù chữ chống giặc dốt; dũng cảm, ngoan cường trong chiến đấu diệt giặc ngoại xâm, làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Trong thời kỳ đổi mới, quân dân sát cánh tích cực tham gia chương trình xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân.
Trong thời kỳ đổi mới, thấm nhuần lời Bác, cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta đã và đang ra sức hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, thực hiện các chương trình xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân; quan tâm thích đáng đến các tầng lớp, bộ phận yếu thế trong xã hội, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khắc phục xu hướng gia tăng phân hóa giàu nghèo, bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững.
Cùng với đó, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao tinh thần “sản xuất cũng là một mũi tiến công”, vừa là “đội quân chiến đấu”, “đội quân công tác”, vừa là “đội quân lao động sản xuất”; chủ động ra quân trên nhiều lĩnh vực sản xuất, mạnh dạn đi vào nhiều ngành kinh tế mũi nhọn và hội nhập quốc tế; góp phần làm ra của cải vật chất cho xã hội, giữ vững và nâng cao đời sống bộ đội, tích cực tham gia giải quyết những vấn đề khó khăn về kinh tế xã hội; tăng cường tiềm lực và thế trận quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc trong tình hình mới.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 527, ngày 10-1-1956 đăng bài viết kèm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm xưởng may Kho 05 và xưởng may 10 thuộc Tổng cục Hậu cần. Bức ảnh chụp Bác đang góp ý kiến với cán bộ, công nhân xưởng may 10 về cách cắt vải. Nhân dịp này, Bác Hồ đã khen ngợi những tiến bộ của đơn vị do đã có những cố gắng và tinh thần cải tiến kỹ thuật của cán bộ và công nhân viên. Người cũng nhắc nhở anh chị em công nhân và cán bộ ý thức và nhiệm vụ làm chủ nhà máy, ra sức thi đua phát huy sáng kiến, “không sợ khó, không sợ khổ để làm cho bản thân mình, giai cấp mình mau sung sướng”.
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra các ngày 10-1 năm 1956, 1967 và 1968.
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 10-1-1967 đăng bài viết kèm ảnh Hồ Chủ tịch tiếp đại biểu các đơn vị anh hùng và các anh hùng vừa được tuyên dương. Nhân dịp này, Bác căn dặn: Có anh hùng là vì có tập thể anh hùng. Có tập thể anh hùng là vì có nhân dân anh hùng, dân tộc anh hùng, Đảng anh hùng. Các anh hùng và các đơn vị anh hùng phải khiêm tốn, đoàn kết học tập, giúp đỡ nhau tiến bộ, thi đua lập nhiều thành tích to lớn hơn nữa…
Ngày 10-1-1968, trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân đăng ảnh Hồ Chủ tịch tiếp thân mật Hoàng thân Nô-rô-đôm Phu-rít-xa-ra, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Vương quốc Campuchia nhân dịp sang thăm nước ta.
“Lý tưởng vĩ đại của Đảng ta, vận mạng của Tổ quốc ta, đời sống của giai cấp ta và nhân dân ta đòi hỏi toàn Đảng và mỗi đảng viên phải phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa để xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội”.
Đây là lời của Bác được đăng trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 10-1-1995.
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 10-1-1995.
TƯỜNG VY (tổng hợp)