Uống cà phê có tăng huyết áp không? Uống cafe sữa hoặc đen thì sao?

Phạm Trường Hà 23/02/2025

Cà phê là thức uống phổ biến được nhiều người yêu thích, nhưng cũng gây lo ngại về tác động đối với sức khỏe, đặc biệt là huyết áp. Vậy uống cà phê có tăng huyết áp không? Người bị tăng huyết áp hoặc có tiền sử bệnh tim mạch thì có thể sử dụng thức uống này được không? ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng – Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM sẽ trả lời thắc mắc này cho bạn đọc trong bài viết dưới đây.

Uống cà phê có tăng huyết áp không?

Uống cà phê có tăng huyết áp không?

Về mặt tim mạch, uống cà phê có gây ra tăng huyết áp tạm thời. Tuy nhiên, mức độ tăng huyết áp không nhiều, chỉ khoảng 10mmHg đối với người không quen uống và khoảng 5mmHg ở người nghiện cà phê. Tác dụng tăng huyết áp cũng không kéo dài.

Cà phê là một trong những thức uống phổ biến hiện nay. Rất nhiều người lựa chọn uống cà phê để giúp đầu óc tỉnh táo hơn, thúc đẩy năng lực sáng tạo và làm việc hiệu quả hơn. Tác động của cà phê lên huyết áp có thể khác nhau giữa các cá nhân, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố như độ nhạy cảm với caffeine và chế độ ăn uống… Vì vậy, bạn cần theo dõi phản ứng của cơ thể khi uống cà phê. Nếu bạn có vấn đề về huyết áp, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thức uống có chứa caffeine.

Vì sao uống cà phê tăng huyết áp?

Cà phê chứa caffeine, một chất kích thích thần kinh có thể gây ảnh hưởng và dẫn đến tăng huyết áp. Khi uống cà phê, caffeine sẽ kích thích hệ thống thần kinh giao cảm, dẫn đến tăng nhịp tim và co mạch máu. Điều này làm tăng lưu lượng máu lưu thông, từ đó gia tăng áp lực động mạch.

Tuy nhiên, tác động của cà phê lên huyết áp không giống nhau ở mỗi người. Đối với những người không quen uống cà phê, caffeine có thể gây tăng huyết áp tạm thời; Những người uống cà phê thường xuyên sẽ quen với tác động của caffeine, do đo huyết áp sẽ không tăng quá nhiều. Đồng thời, người trẻ tuổi có thể nhạy cảm hơn với caffeine và dễ bị ảnh hưởng hơn.

Ngoài ra, yếu tố di truyền, tuổi tác và các bệnh lý nền như tim mạch, tiểu đường cũng có thể làm tăng độ nhạy cảm với caffeine. Vì vậy, mỗi cá nhân cần theo dõi tác động của cà phê đối với huyết áp của mình.

Các nghiên cứu trên chuột (caffeine có tác động trên động vật giống như ở người) với liều cao kéo dài liên tục cho thấy, caffeine có thể gây mệt mỏi, suy nhược, làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như tăng huyết áp, viêm loét dạ dày, các bệnh tim mạch, tá tràng…

Cà phê có thể gây mệt mỏi, làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và các bệnh tim mạch khác
Cà phê có thể gây mệt mỏi, làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và các bệnh tim mạch khác

Người bị huyết áp cao uống cà phê được không?

Hiện chưa có khuyến cáo chính thức cho người bị tăng huyết áp phải kiêng cà phê tuyệt đối. Vì vậy đối với người bị tăng huyết áp, cần tìm hiểu kỹ và trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng cà phê. Do trong cà phê có chứa chất kích thích caffeine có thể làm tăng tạm thời áp lực động mạch, ảnh hưởng không tốt đến bệnh tăng huyết áp.

Nghiên cứu trước đây cho thấy uống một tách cà phê có chứa caffeine mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ tử vong sau cơn đau tim, giúp ngăn ngừa đau tim và đột quỵ ở người lớn khỏe mạnh. Một số nghiên cứu cho thấy cà phê có thể làm giảm nguy cơ tăng huyết áp ở những người chưa mắc bệnh này. Nhưng uống quá nhiều cà phê đã được chứng minh là làm tăng huyết áp và dẫn đến lo lắng, hồi hộp và khó ngủ. (1)

Nghiên cứu mới cho thấy, những người bị huyết áp cao nghiêm trọng uống hai hoặc nhiều tách cà phê chứa caffeine mỗi ngày có thể tăng gấp đôi nguy cơ tử vong do đau tim, đột quỵ hoặc các loại bệnh tim mạch khác. Nhưng việc uống chỉ một tách cà phê được ghi nhận là không có tác động tương tự đối với nguy cơ này.

Tác dụng của cà phê tùy vào cơ địa mỗi người (có người hợp người không), tùy vào độ đậm đặc cà phê và số lần uống cà phê mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu bạn bị tăng huyết áp nhưng muốn uống cà phê, trước tiên hãy đến gặp bác sĩ để thăm khám, kiểm tra tình trạng sức khỏe hiện tại và các bệnh lý kèm theo. Từ đó, bác sĩ sẽ đánh giá, đưa ra hướng điều trị cũng như giải đáp cho người bệnh biết với tình trạng huyết áp của mình, có thể dùng cà phê được hay không, liều lượng uống như thế nào là phù hợp.

Thời điểm nào người bị cao huyết áp không nên uống cà phê?

Khi được chẩn đoán tăng huyết áp, người bệnh nên điều chỉnh lối sống khoa học, đặc biệt là chú ý những thực phẩm, thức uống sử dụng hằng ngày, trong đó có cà phê. Nếu người bệnh tăng huyết áp được bác sĩ cho biết có thể uống một lượng cà phê nhất định và lưu ý về thời điểm uống.

Nếu bạn bị tăng huyết áp, tốt nhất là nên tránh uống cà phê vào những thời điểm sau:

  • Buổi sáng sớm: Huyết áp thường đạt đỉnh vào buổi sáng sớm do sự thay đổi hormone trong cơ thể. Vì vậy, người bệnh không nên uống cà phê vào thời điểm này vì có thể khiến huyết áp càng tăng thêm.
  • Trước khi tập thể dục: Cà phê có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương, làm tăng nhịp tim và huyết áp. Khi kết hợp uống cà phê với hoạt động thể chất, có thể dẫn đến tình trạng tăng huyết áp đột ngột và quá mức.
  • Trước khi đi ngủ: Caffeine có trong cà phê ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, gây khó ngủ hoặc giấc ngủ không sâu. Thiếu ngủ hoặc ngủ không ngon có thể làm tăng huyết áp trong dài hạn. Do đó, người bị tăng huyết áp nên tránh uống cà phê ít nhất 4-6 giờ trước khi đi ngủ.
  • Khi đang căng thẳng: Uống cà phê khi đang căng thẳng có thể làm tăng thêm các hormone cortisol và adrenaline, dẫn đến tình trạng tăng huyết áp trầm trọng hơn.
  • Ngay sau khi uống thuốc hạ huyết áp: Cà phê có thể tương tác với một số loại thuốc hạ huyết áp, làm giảm hiệu quả của thuốc. Vì vậy, người bệnh nên đợi ít nhất 1 giờ sau khi uống thuốc mới uống cà phê, tốt nhất là tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng cà phê trong khi uống thuốc điều trị huyết áp.
Người bị tăng huyết áp không nên uống cà phê vào buổi tối trước khi đi ngủ
Người bị tăng huyết áp không nên uống cà phê vào buổi tối trước khi đi ngủ

Người có bệnh nền tăng huyết áp cần lưu ý gì khi uống cà phê?

Khi vẫn muốn sử dụng cà phê nhưng vẫn giữ cho sức khỏe an toàn, người bệnh tăng huyết áp cần lưu ý các điều sau:

1. Sử dụng với liều lượng cho phép

Người bị tăng huyết áp nên hạn chế lượng caffeine tiêu thụ hàng ngày, không vượt quá 200mg (tương đương khoảng 2 tách cà phê). Kiểm soát liều lượng cà phê tiêu thụ mỗi ngày sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của caffeine lên huyết áp. Bạn nên chia nhỏ lượng cà phê uống trong ngày thay vì uống một lúc nhiều.

2. Dừng sử dụng nếu có biểu hiện tăng huyết áp cao

Khi uống cà phê, nếu xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, tim đập nhanh hoặc cảm giác khó chịu trong ngực, nên dừng uống cà phê và theo dõi huyết áp. Trong trường hợp huyết áp tăng cao đột ngột, cần thông báo với bác sĩ để được thăm khám và tư vấn điều trị.

3. Tập thói quen sử dụng ít cà phê mỗi ngày

Người bị tăng huyết áp nên tập thói quen giảm dần lượng cà phê tiêu thụ hàng ngày sẽ giúp kiểm soát huyết áp và giảm sự phụ thuộc vào caffeine. bạn có thể bắt đầu bằng cách giảm nửa lượng cà phê thường uống và duy trì trong vài tuần. Sau đó, tiếp tục giảm dần cho đến khi đạt được lượng phù hợp với cơ thể.

4. Lưu ý tính tương tác của cà phê với thuốc huyết áp đang dùng

Cà phê có thể tương tác với một số loại thuốc điều trị tăng huyết áp, làm giảm hiệu quả hoặc tăng tác dụng phụ của thuốc. Vì vậy, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng cà phê khi đang dùng thuốc huyết áp. Nếu được phép uống cà phê, nên uống cách xa thời điểm uống thuốc ít nhất 1-2 giờ. Theo dõi huyết áp thường xuyên và báo với bác sĩ nếu nhận thấy dấu hiệu bất thường nào sau khi uống cà phê.

5. Sử dụng các loại thức uống khác thay thế cà phê

Thay vì uống cà phê, bạn nên lựa chọn những loại thức uống lành mạnh hơn như trà xanh, trà thảo mộc, nước chanh nóng, nước ép trái cây tự nhiên… Việc đa dạng hóa thức uống không chỉ giúp kiểm soát huyết áp mà còn cung cấp nhiều dưỡng chất có lợi cho cơ thể.

Người bị tăng huyết áp nên lựa chọn những thức uống lành mạnh khác như trà để thay thế cho cà phê
Người bị tăng huyết áp nên lựa chọn những thức uống lành mạnh khác như trà để thay thế cho cà phê

>> Xem thêm: Uống trà gì để hạ huyết áp? 9 loại hỗ trợ giảm huyết áp cao

Câu hỏi thường gặp

1. Uống cà phê đen có tăng huyết áp không?

Cà phê đen có thể làm tăng huyết áp tạm thời do có chứa chất kích thích caffeine. Tác động này thường xảy ra trong vòng 30 phút đến 2 giờ sau khi uống và có thể kéo dài từ 3 đến 4 giờ. Tuy nhiên, ảnh hưởng của cà phê đen đối với huyết áp có thể khác nhau giữa các cá nhân, và một số người có thể phát triển khả năng dung nạp caffeine theo thời gian.

2. Uống cà phê sữa có tăng huyết áp không?

Cà phê sữa có thể làm tăng huyết áp trong thời gian ngắn như cà phê đen do chứa caffeine. Hơn nữa, cà phê sữa thường chứa nhiều calo và chất béo hơn, có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khác nếu dùng quá nhiều. Vì vậy, người bị tăng huyết áp nên cân nhắc sử dụng sữa ít béo hoặc sữa thực vật khi pha cà phê để giảm thiểu tác động tiêu cực.

3. Sau khi uống thuốc huyết áp bao lâu thì được uống cà phê?

Bạn nên đợi ít nhất 1-2 giờ sau khi uống thuốc huyết áp mới uống cà phê, như vậy sẽ đảm bảo thuốc đã được hấp thu và bắt đầu có tác dụng trước khi cơ thể tiếp xúc với caffeine. Tuy nhiên, thời gian chính xác có thể khác nhau tùy thuộc vào loại thuốc huyết áp đang sử dụng.

4. Thời điểm uống cà phê tối ưu cho người có bệnh nền tăng huyết áp?

Thời điểm tối ưu để uống cà phê đối với người bị tăng huyết áp là vào giữa buổi sáng, khoảng 9 giờ 30-11 giờ 30. Vào thời điểm này, mức cortisol tự nhiên trong cơ thể đã giảm xuống, việc tiêu thụ caffeine sẽ ít ảnh hưởng đến huyết áp hơn. Nên tránh uống cà phê vào buổi sáng sớm (khi huyết áp thường cao nhất) và vào buổi chiều muộn hoặc tối (để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ).

Người bị tăng huyết áp nên thăm khám định kỳ để kiểm soát tình trạng bệnh một cách hiệu quả. Thông thường, bác sĩ sẽ đề xuất lịch tái khám từ 1-3 tháng một lần, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và khả năng kiểm soát huyết áp của bệnh nhân.

Tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, các bác sĩ chuyên khoa Tim mạch với nhiều năm kinh nghiệm sẽ trực tiếp thăm khám, đo huyết áp, đánh giá tình trạng sức khỏe tim mạch để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho từng người bệnh. Cùng với đó, Trung tâm có hệ thống trang thiết bị, máy móc hiện đại, được nhập khẩu trực tiếp từ các nước châu Âu như Anh, Mỹ, Pháp… hỗ trợ chẩn đoán nhanh chóng, chính xác và điều trị hiệu quả cho bệnh nhân tăng huyết áp.

Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị trực tiếp với các bác sĩ chuyên khoa tim mạch tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách có thể liên hệ theo thông tin sau:

Như vậy, vấn đề uống cà phê có tăng huyết áp không đã được giải đáp. Tác động của cà phê đối với huyết áp có thể khác nhau ở mỗi người. Do đó, trước khi muốn sử dụng thức uống này, đặc biệt là người bị tăng huyết áp hoặc có tiền sử các bệnh liên quan đến tim mạch, nên tham khảo ý kiến bác sĩ và theo dõi phản ứng của cơ thể khi uống cà phê. Điều quan trọng là người bệnh cần duy trì lối sống lành mạnh, kiểm soát stress, dùng thuốc theo chỉ định nếu có và thăm khám định kỳ để quản lý huyết áp hiệu quả.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *